Phục tài ông Chiến: Trồng 3ha bưởi da xanh thuần chủng lời 2 tỷ/năm

Theo Hoàng Phạm (Báo Bình Dương)   18/08/19

Những năm đầu trồng bưởi ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình cùng sự hỗ trợ của địa phương, những người đi trước đã giúp ông vươn lên, xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Phượng Hằng.

phuc tai ong chien: trong 3ha buoi da xanh thuan chung loi 2 ty/nam hinh anh 1

Ông Chiến bên vườn bưởi của gia đình. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Cần sự công phu

Theo chân ông Chiến, chúng tôi được “mục sở thị” vườn bưởi của gia đình. Trước mắt chúng tôi là những cây bưởi lá xanh tốt, trái bưởi căng tròn đang chờ thu hoạch. Ông Chiến chia sẻ, ông chọn vùng đất Tân Hưng (trước đây ông ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) để trồng bưởi vì thấy thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi cho việc trồng cây bưởi. Ngoài ra, ông nhận thấy nhu cầu thị trường bưởi đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở khu vực miền Bắc nên quyết định gắn bó với loại cây này.

Năm 2007, ông đầu tư gần 500 triệu đồng trồng 3 ha cây bưởi da xanh. Ông Chiến cho hay, cái khó khi trồng bưởi là làm sao chọn được giống tốt, người trồng phải chăm sóc đúng kỹ thuật và chịu tổn thất trong thời gian đầu. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, vườn bưởi của ông cho thu hoạch; thu nhập vụ đầu chưa bù được chi phí bỏ ra nhưng điều đáng mừng là thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2011-2013, sau khi trừ chi phí, vườn bưởi mang lại cho ông thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông đã trả được chi phí đầu tư ban đầu và có điều kiện để chăm sóc vườn cây tốt hơn.

Ngoài việc áp dụng các phương pháp canh tác truyền thống, ông Chiến còn tìm hiểu những phương pháp canh tác mới, như sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học vừa bảo đảm các yếu tố về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt vừa tăng sức đề kháng cho cây, giảm được một số loại sâu, bệnh, nâng cao năng suất từ 20% trở lên.

Thu lời 2 tỷ đồng mỗi năm

Từ những kiến thức có được sau khi tham quan các mô hình sản xuất bưởi hiệu quả trong và ngoài tỉnh, đồng thời có sự góp ý, tư vấn của bà Nguyễn Thanh Thủy (chủ trang trại bưởi da xanh Thanh Thủy, huyện Bàu Bàng), ông Chiến đã mạnh dạn cắt bỏ những cây bưởi da xanh không thuần chủng để thay vào những cây bưởi da xanh thuần chủng, cho năng suất cao hơn.

“Ngoài việc trồng lại giống bưởi da xanh thuần chủng từ trang trại bưởi da xanh Thanh Thủy, tôi còn tham khảo tài liệu, sách báo để áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây. Nhờ đó, từ năm 2014-2018 sản lượng bưởi của gia đình tăng lên, đạt năng suất cao, chất lượng tốt và được chứng nhận vườn cây đạt chuẩn VietGAP”, ông Chiến nói.

Với việc mạnh dạn áp dụng giống bưởi mới, cùng khoa học - kỹ thuật, vườn bưởi 3 ha của ông đã cho kết quả khả quan; sau khi trừ chi phí ông có lãi gần 2 tỷ đồng/năm. Bưởi da xanh của ông chủ yếu cung cấp cho thị trường miền Bắc và cung ứng ở địa phương vào những dịp lễ, tết. Điều quan trọng nữa, với việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu bưởi Phượng Hằng đã giúp vườn bưởi của ông ngày càng được nhiều người biết đến.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho biết mô hình trồng bưởi của ông Lê Quang Chiến là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, mô hình này cũng góp phần nâng cao thương hiệu nông sản tỉnh Bình Dương trên thị trường và từng bước xây dựng nhãn hiệu nông sản của huyện Bàu Bàng.
Bình luận

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: