Gần như toàn bộ các yếu tố có trong đất đều có mặt trong cây. Kỹ thuật phân tích càng tinh vi thì càng phát hiện thêm nhiều yếu tố. Ban đầu người ta cho rằng có những yếu tố có mặt trong cây có vai trò thiết yếu cho đời sống thực vật của cây và có những yếu tố không có vai trò thiết yếu cho đời sống của cây mà có mặt trong cây chỉ là do sự hút thừa. Các kết quả nghiên cứu phát hiện dần vai trò của nhiều yếu tố mà trước đây không nhận thấy. Sự phân biệt yếu tốt thiết yếu và yếu tố không thiết yếu dần dần mất đi hết ý nghĩa.
Các yếu tố trong cây còn được phân biệt thành yếu tố cấu tạo tức là các yếu tố có trong thành phần hợp chất cấu tạo nên tế bào của mô cây, và các yếu tố phi cấu tạo không là thành phần hợp chất tạo nên tế bào của mô cây. Các yếu tố là thành phần cấu tạo của tế bào của mô cây còn được gọi là yếu tố dinh dưỡng, xem như là thức ăn của cây. Một số yếu tố đóng vai trò khác: hoặc tự bản thân nó có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cây do tác động đến các enzym, các chất điều hoà sinh trưởng hoặc là thành phần cấu tạo nên các enzym, các vitamin, các chất điều hoà sinh trưởng điều khiển các quá trình trao đổi. Để thống nhất trao đổi thông tin, FAO đề nghị quy ước phân nhóm và gọi tên các yếu tố tìm thấy trong cây như sau:
1. Phân loại các yếu tố dinh dưỡng cây trồng
Các yếu tố dinh dưỡng có 16 nguyên tố: C, H, O, N, P, K, Ca, Mg, S, Fe, Zn, Mn, Cu, Bo, Mo, Cl.
Các yếu tố dinh dưỡng chính hay còn gọi là yếu tố phân bón chính. Đó là 3 nguyên tố N, P, K.
Các nguyên tố trung lượng: Ca, Mg, S và gần đây là Si
Các nguyên tố vi lượng: Fe, Mn, Cu, B, Mo, Co, Ni, Se,...
Danh sách các nguyên tố vi lượng ngày càng nhiều, các nguyên tố thường được nói đến gần đây như Co, Va, Na, Zn, Al, Pb, và các nguyên tố phóng xạ, các loại đất hiếm. Các chất hàm lượng trong cây không có nhiều, ít đến mức rất khó phát hiện nhưng vẫn có vai trò quan trọng được gọi là siêu vi lượng.
2. Cơ sở phân loại các yếu tố dinh dưỡng
Sự sắp xếp thành các nhóm như trên không hoàn toàn dựa trên hàm lượng các yếu tố đó trong cây. Hàm lượng S, Mg trong cây nhiều không kém P nhưng P được xem là các yếu tố dinh dưỡng thứ yếu, còn hàm lượng các yếu tố Na, Cl, Fe trong cây cũng không kém lại được xem là các yếu tố vi lượng. Sự sắp xếp như trên cũng không phải là do tầm quan trọng về sinh lý của các yếu tố. Tất cả các yếu tố dầu có nhiều hoặc có ít, có khi phải dùng các phương pháp định lượng hết sức tinh vi mới phát hiện ra được vẫn có vai trò sinh lý nhất định mà sự thiếu hụt vẫn có thể làm đảo lộn các quá trình trao đổi chất trong cây. Thực chất sự sắp xếp trên là phối hợp của cả hai mặt nhu cầu của cây và khả năng cung cấp của đất, thể hiện ở nhu cầu của cần bổ sung bằng phân bón. Ca, Mg, S là các yếu tố cây rất cần, có hàm lượng trong cây cao, nhưng thường được đất cung cấp với lượng khá, đủ để thoả mãn nhu cầu bình thường của cây, chỉ trong một số trường hợp hoặc loại cây cần nhiều hoặc đất không cung cấp đủ mới cần thiết phải bổ sung, vì vậy được xếp vào nhóm các yếu tố dinh dưỡng thứ yếu. Cũng vậy Na, Cl hiếm khi thấy thiếu nên thường được xếp vào yếu tố vi lượng.
Sự sắp xếp như trên là do xem xét vấn đề dưới góc độ phân bón hơn là góc độ dinh dưỡng của cây trồng. Chúng tôi cho rằng dùng từ yếu tố phân bón thích hợp hơn dùng từ yếu tố dinh dưỡng.
Sự phân biệt yếu tố phân bón chính, yếu tố phân bón thứ yếu và yếu tố phân bón vi lượng cũng có tính chất tương đối. Ở một loại đất này một yếu tố được xem là yếu tố phân bón chính vì đất không cung cấp đủ nhưng ở loại đất khác lại là yếu tố phân bón thứ yếu. Đã phát hiện ra rằng trên các vùng đất phèn, đất đồi chua khi trồng các cây chịu chua, canxi lại quan trọng hơn kali. Khi năng suất cây trồng còn thấp, sự cung cấp tự nhiên về một số yếu tố P, K, Ca, Mg, S đủ cho nhu cầu của cây. Khi sản xuất đi vào thâm canh, năng suất trên đơn vị diện tích tăng lên, số lượng lấy đi trong sản phẩm thu hoạch vượt quá khả năng cung cấp của đất, một số yếu tố phân bón thứ yếu đang dần trở thành yếu tố phân bón chính. Một số nhà nghiên cứu đang đề nghị bổ sung các yếu tố S, Mg, Ca xem như các yếu tố phân bón chính.
Từ tài liệu:
GS Võ Minh Kha, Hướng dẫn thực hành sử dụng phân bón, NXB Nông nghiệp, Hà Nội,1996.