Diện tích hồ tiêu tăng ″nóng″ 400%, giá lao dốc, tỉ phú cũng lâm nợ

Dân Việt   24/08/19

Vị trí số 1 nhiều bất ổn

Ngày 23/8, tại Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu Hiệp định thương mại tự do. 300 đại biểu tham dự hội nghị đã đi sâu vào việc phân tích đánh giá thực trạng, dự báo thị trường hồ tiêu. Nhằm tìm ra nguyên nhân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường cũng như cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam.

dien tich ho tieu tang

Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan vườn tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ.

Tại Việt Nam, có những thời điểm giá hồ tiêu lên đến 250.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Tình trạng này đã khiến cho những hộ trồng tiêu trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư hồ tiêu.

Theo ông Đinh Xuân Thu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông), thực tế hiện nay tại Đắk Song, nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục người đến tòa án để giải quyết nợ nần do cây tiêu gây ra. Tình trạng tiêu chết hàng loạt, giá cả lao dốc đã khiến không chỉ nông dân mà ngay những đại gia tiêu lớn nhất Việt Nam cũng lâm vào cảnh khốn cùng, nhà cửa phải cầm cố ở ngân hàng.  

Theo Bộ NNPTNT, mặc dù ở vị trí số 1 nhưng việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện; sản xuất GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện. Việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

dien tich ho tieu tang

Vườn tiêu hữu cơ của ông Đinh Xuân Thu (Đắk Song, Đắk Nông) mang lại giá trị kinh tế cao.

Tiếp đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân đồng thời có chính sách tập huấn, trang bị kiến thức cho người dân. "Khi người dân chưa nâng cao được nhận thức thì chưa thể nói đến việc phát triển hồ tiêu bền vững"- ông Bính nhấn mạnh.

Ông Đinh Xuân Thu cho rằng, việc giảm diện tích hồ tiêu không phải là giải pháp tốt nhất. Theo ông Thu cần khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Phía ngân hàng cần có chính sách khoanh, giãn nợ cho người trồng tiêu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đứng trước thực trạng cây hồ tiêu hiện nay, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần phải kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trong việc canh tác cần tăng cường đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm xảy ra trên cây hồ tiêu.

Hiện, nông dân Tây Nguyên đang tổ chức việc trồng xen mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, nông dân cần phải lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Các địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc xây dựng việc phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu.

Đối với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cần tiếp tục phổ biến các quy trình sản xuất hồ tiêu cho địa phương, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ sâu bệnh; giám sát chặt chẽ tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NNPTNT nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng hồ tiêu; các ngân hàng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân…

Bình luận

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: