Chất lượng trái và khả năng lưu tồn của Uniconazole và Paclobutrazol khi xử lý xoài ra hoa

Sở NN&PT NT An Giang   04/09/19

Hiện tại trên địa bàn tỉnh An Giang, ngoài giống xoài Thanh Ca Bảy Núi, giống xoài Thơm Vĩnh Hòa, còn có giống xoài Đài Loan (người dân địa phương còn gọi là xoài Ba màu), đang phát triển mạnh tại 3 xã Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới với diện tích lớn khoảng trên 4.347ha (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, 2016).

Xử lý xoài ra hoa bằng Uniconazole và Paclobutrazol

Xử lý ra hoa xoài có nhiều biện pháp kỹ thuật như: Xông khói, cắt rễ, tạo khô hạn,… và điều khiển ra hoa bằng các loại hóa chất. Trong đó việc sử dụng Paclobutrazol là phổ biến nhất hiện nay và gần đây việc dùng Uniconazole cũng được các nhà khoa học khuyến cáo, vì vậy chúng tôi thực hiện chuyên đề “Chất lượng trái, khả năng lưu tồn trong trái của Uniconazole (UCZ) và Paclobutrazol (PBZ) khi xử lý ra hoa trên xoài bằng UCZ và PBZ, độ lưu tồn của PBZ trong đất sau khi thu hoạch xoài vụ nghịch 2017 tại Cù lao Giêng, huyện Chợ mới”.

Ở mỗi xã, thí nghiệm bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức và 3 lần lặp lại (mỗi khối là một liếp). Các nghiệm thức được thực hiện như sau:

- Nghiệm thức 1: (Bón phân vô cơ + hữu cơ) + xử lý ra hoa phun bằng hóa chất Uniconazole.

- Nghiệm thức 2: (Bón phân vô cơ + hữu cơ) + xử lý ra hoa đổ gốc bằng hóa chất Paclobutrazol.

- Nghiệm thức 3: (Bón phân vô cơ) + đổ gốc bằng hóa chất Paclobutrazol (đối chứng)

1. Chất lượng trái khi xử lý ra hoa trên xoài bằng Uniconazole (UCZ) so với Paclobutrazol (PBZ)

Xã Tấn Mỹ: Các chỉ tiêu phân tích chất lượng trái xoài ở vườn thí nghiệm xã Tấn Mỹ của 3 nghiệm thức khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức α = 0,05. Trước hết xét về oBrix (độ Brix) ở 03 nghiệm thức cho thấy trung bình dao động từ 5,4% ở nghiệm thức 1; kế đến là 6,6% ở nghiệm thức 2 và cao nhất là 7% ở nghiệm thức 3; tuy có sự khác biệt về phân tích thử nghiệm nhưng trên thực tế ăn nếm thử thì không có sự khác biệt về mặt cảm quang. Độ chắc thịt quả dao động từ 175 - 185 N/cm2 trong đó ở nghiệm thức 2 cao hơn 02 nghiệm thức còn lại. Tỷ lệ thịt quả (còn gọi là tỷ lệ phần ăn được (%)) ở các nghiệm thức vẫn giữ được khá cao trung bình dao động từ 75,98% ở nghiệm thức 1, kế đến là 76,86% của nghiệm thức 3 và cao nhất ở nghiệm thức 2 là 77,47%.

Xã Mỹ Hiệp: Kết quả phân tích thử nghiệm của 03 nghiệm thức khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức α = 0,05. Trong đó độ Brix dao động từ 6 - 7% ở 03 nghiệm thức và thấp nhất ở nghiệm thức 2 (6%). Độ chắc thịt quả trung bình dao động từ 179 N/cm2 ở nghiệm thức 2, 183 N/cm2 ở nghiệm thức 1 và 186 N/cm2 ở nghiệm thức 3. Tỷ lệ (%) phần ăn được dao động từ 73,2% đến 76,86%.

Xã Bình Phước Xuân: Trước hết, xét về độ Brix ở các nghiệm thức trung bình dao động từ 6,2% thấp nhất ở nghiệm thức 1 đến 6,8% cao nhất ở nghiệm thức 3. Có độ chắc thịt quả ở các nghiệm thức dao động từ 177 N/cm2 ở nghiệm thức 3 đến 183 N/cm2 cao nhất ở nghiệm thức 1 và 2. Các nghiệm thức có tỷ lệ phần ăn được dao động từ 79,07% ở nghiệm thức 2 đến cao nhất ở nghiệm thức 1 là 80,02%.

2. Khả năng lưu tồn trong trái của Uniconazole (UCZ) và Paclobutrazol (PBZ) khi xử lý ra hoa trên xoài bằng UCZ và PBZ

Kết quả phân tích cho thấy các mẫu trái của các nghiệm thức ở các vườn thí nghiệm trên 03 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân đều không phát hiện khả năng lưu tồn của PBZ hay UCZ trên trái. Điều này phù hợp với kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản An Giang ngày 15/5/2017 thực hiện phân tích mẫu rau củ quả cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật đợt 1 năm 2017 trong tỉnh cho thấy kết quả kiểm tra dư lượng Paclobutrazol không phát hiện dư lượng trong trái. Đồng thời, giống với kết luận của Subhadrabandhu et al. (1999) thí nghiệm xử lý bằng PBZ trên cây xoài Nam Dok Mai, tác giả đã công bố không tìm thấy có sự lưu tồn của hóa chất PBZ trên trái xoài qua tất cả các biện pháp xử lý khác nhau.

3. Độ lưu tồn của PBZ trong đất sau khi thu hoạch xoài

Kết quả thử nghiệm dư lượng 03 mẫu đất ở 03 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân về khả năng lưu tồn của PBZ trong đất khi trộn đều ở cả 03 tầng đất với độ sâu là 0 - 20 cm, 20 - 40 cm và sâu nhất là 100 cm cho thấy có tồn tại PBZ trong đất ở mức dao động từ 0,59 mg/kg ở xã Bình Phước Xuân, đến 0,98 mg/kg ở Tấn Mỹ và 1,74 mg/kg ở Mỹ Hiệp. Có thể nói rằng khả năng lưu tồn của PBZ vẫn còn trong đất sau khi đã thu hoạch quả xoài (từ khi đổ gốc PBZ để xử lý ra hoa đến khi thu hoạch xong khoảng 7 - 8 tháng). Điều này cũng phù hợp với kết luận của Subhadrabandhu et al. (1999) thì PBZ lưu tồn 11 tháng trong đất nếu xử lý bằng phương pháp tưới vào đất. Đồng thời cũng giống với kết luận của Đỗ Thị Xuân và cs. (2018) là lượng PBZ lưu tồn ở tầng đất 0 - 20 cm dao động trong khoảng 0,88 - 58,66 mg/kg đất khô kiệt, ở tầng 20 - 40 cm hàm lượng PBZ lưu tồn trong khoảng 1,42 - 14,93 mg/kg.

Tài liệu tham khảo

- Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Thị Loan, Trần Duy Khánh, Trần Kim Tính, Lương Thị Thu Hương (2018). Đánh giá hiện trạng sử dụng sự lưu tồn của Paclobutrazol trên đất trồng xoài cát Hòa Lộc (Mangifera indica L.) tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Tạp chí của Hội Khoa học Đất Việt Nam, trong Hội nghị Khoa học Đất 2018 “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Trang 152-157.

- Kết quả thử nghiệm rau củ quả của Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ngày 15/5/2017.

- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Mới (2016). Báo cáo tình hình hoạt động tháng 05 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 06 năm 2016.

- Subhadrabandhu, S. Iamsub and K. Kataoka, 1999. Effect of Paclobutrazol application on growth of mango trees and detection of residues in leaves and soil. Japanese Journ al of Tropical Agriculture. 43: 249-253.

Ths. Nguyễn Trung Thành

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang

Bình luận

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: